Độc đáo Lễ hội Trò Trám
17 Tháng 02, 2019 | Tin địa phương
PhuthoPortal – Trong hai ngày 15, 16/2 (tức ngày 11, 12 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), tại xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, người dân khắp nơi lại nô nức về tham gia lễ hội Trò Trám, hay còn gọi là “Linh tinh tình phộc”. Đây là lễ hội mang tín ngưỡng phồn thực cổ xưa của người Việt.
Phần tế lễ của các cụ cao niên
Lễ hội được bắt đầu với trò diễn “Tứ dân chi nghiệp”, còn gọi là “bách nghệ khôi hài” – một màn kịch dân gian vui nhộn về bốn nghề chính trong đời sống là sĩ, nông, công, thương.
Say sưa theo dõi diễn trò, chị Hà Thị Hoa – xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng cho biết: Là người con của Phú Thọ, mặc dù tôi đã được nghe rất nhiều về Trò Trám nhưng đây là lần đầu tiên tôi được theo dõi trực tiếp. Các trò diễn miêu tả những công việc rất gần gũi với đời sống hằng ngày của người nông dân như dạy học, quay tơ, dệt lụa,… nhưng được cách điệu một cách khôi hài rất thú vị.
Diễn trò “Tứ dân chi nghiệp”
…miêu tả những công việc hằng ngày của người dân xưa
Tiếp đến phần tế lễ của các cụ cao niên trong làng thực hiện từ 22 giờ 30 phút ngày 11 đến 0 giờ ngày 12 tháng Giêng. Các nghi thức tế lễ được thực hiện trang nghiêm, thành kính.
Phần tế lễ được thực hiện trang nghiêm
Điểm hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của người xem hơn cả là “lễ Mật” được thực hiện vào 0 giờ ngày 12 tháng Giêng tại miếu Trò. Năm nay là năm thứ 4 vợ chồng anh Chử Đức Chiến (sinh năm 1978) và chị Bùi Thị Thanh Huyền (sinh năm 1990) được người dân trong làng tín nhiệm giao nhiệm vụ thực hiện nghi thức tình phộc. Không giấu được vẻ hồi hộp, anh Chiến chi sẻ: “Lễ Mật” là nghi lễ quan trọng của Lễ hội Trò Trám. Theo tín ngưỡng của người dân thì việc thực hiện nghi thức “tình phộc” thành công hay không sẽ có nhiều ảnh hưởng tới việc mưa, gió, làm ăn trong một năm của người dân. Do đó mỗi lần được giao “trọng trách” này tôi đều rất hồi hộp.
“Lễ Mật” nghi thức quan trọng nhất của Lễ hội Trò Trám
Đúng 0 giờ hòm thiêng bên trong chứa sinh thực khí của nam (Nõ) và sinh thực khí của nữ (Nường) được lấy ra. Sau đó cụ thủ từ trao cho cặp vợ chồng anh Chiến, chị Huyền. Ngay khi đèn nến được tắt, cụ thủ từ hô khẩu lệnh “linh tinh tình phộc”, hai nhân vật chính là nam cởi trần đóng khố cầm Nõ, nữ mặc váy đeo yếm đào cầm Nường làm các thao tác tượng trưng hoạt động tính giao. Dân làng quan niệm 3 lần đâm trúng sẽ có mùa màng tươi tốt, bội thu; 2 lần trúng năm nay sẽ được mùa; 1 lần trúng là làm ăn kém. Năm nay hai vợ chồng anh Chiến, chị Huyền đã “tình phộc” 3 lần trúng cả 3 khiến dân làng rất vui.
Khi giây phút diễn ra nghi lễ “tình phộc”, hàng ngàn người chen chân nhằm được xem tận mắt nghi lễ độc đáo này.
Sau lễ Mật, sáng ngày 12 là lễ “Rước lúa thần” cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Những bông lúa thu hoạch từ vụ trước thờ trong miếu được lấy ra và rước đến đền Xa Lộc thờ vị tướng Phùng Lân Hổ thời Trần, rồi tiếp tục được rước chung quanh làng. Trong khi rước lúa trên đường làng, các trò diễn vẫn tiếp tục thực hiện tại miếu Trò để tạo không khí lễ hội. Lễ cúng thập bái thực hiện cuối cùng tại miếu Trò để kết thúc lễ hội.
Nghi lễ “Rước lúa thần”
Bên cạnh việc thực hiện các nghi thức tế lễ, diễn trò, Lễ hội Trò Trám còn diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao thu hút đông đảo nhân dân và du khách theo dõi.
Hoạt động thể thao thu hút nhiều người xem
Ông Nguyễn Đắc Thủy – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Lễ hội Trò Trám là lễ hội đặc sắc của người Việt ở vùng trung du Bắc bộ, mang đậm giá trị văn hóa truyền thống và dấu ấn của nền văn minh lúa nước, mang lại không khí vui tươi, phấn khởi, tạo động lực thi đua sản xuất đầu xuân của người dân quanh vùng. Sau khi đón nhận Bằng Di sản văn hóa vi phật thể Quốc gia năm 2017, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện duy tu, sửa chữa lại miếu Trò, sân khấu diễn trò có quy mô rộng hơn, khang trang hơn để xây dựng Lễ hội Trò Trám là điểm nhấn quan trọng góp phần tôn vinh, quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống vùng Đất Tổ với du khách thập phương.
(Theo: Vũ Tuân – https://www.phutho.gov.vn/)
Danh mục
Bài viết nổi bật
Quảng bá Du lịch Phú Thọ tại lễ hội Hoa Ban tỉnh Điện Biên năm 2025

Phú Thọ tham gia triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” năm 2024
