“Hạ Long” trên núi
6 Tháng 02, 2019 | Tin địa phương
PTĐT – Là trung tâm văn hóa lâu đời chứa đựng nét hào hùng về lịch sử dựng nước và giữ nước của cả dân tộc, cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, tất cả đã tạo nên cho Đất Tổ những di tích lịch sử, danh lam – thắng cảnh nổi tiếng. Trên cuộc hành trình tìm về nguồn cội, du khách sẽ không thể bỏ qua những danh thắng được ví như “Hạ Long trên núi” do thiên nhiên ban tặng nằm yên bình giữa những vạt rừng trung du xanh ngát, hiện vẫn còn giữ nguyên nét hoang sơ, sơn thủy hữu tình.
Được mệnh danh là một trong những “Hạ Long” trên núi của tỉnh, đầm Ao Châu vào sáng mùa đông se lạnh vẫn phủ một lớp sương mỏng trên mặt nước khiến bất cứ ai đến đây đều sẽ liên tưởng như đang lạc vào một xứ sở huyền bí từ những câu chuyện truyền thuyết. Tương truyền vào thời kỳ dựng nước, Vua Hùng trên đường đi chọn nơi để lập kinh đô đã dừng chân tại đây. Khi nhà Vua và các quần thần đang trên thuyền thưởng ngoại thì bắt gặp giữa đồng cỏ có hai con trâu vàng đang đối đầu chọi nhau. Sau đó cả hai cùng lặn xuống đầm nước biến mất, kể từ đó đầm được gọi là Hồ Kim Ngưu (hồ Trâu Vàng). Trải qua thời gian, hồ được mở rộng hơn và trở thành đầm Ao Châu ngày nay.
Nhìn từ trên cao đầm Ao Châu có hình dáng giống như đầu của một con trâu với hai sừng hướng về phía hai dòng sông: Sông Thao và sông Lô. Đầm nằm trên địa bàn thị trấn Hạ Hòa và các xã của huyện Hạ Hòa: Y Sơn, Ấm Hạ và Phụ Khánh, với diện tích mặt nước khoảng 1.500ha, hơn 100 đảo lớn nhỏ được bao phủ bằng một hệ thực vật, loài cây quý hiếm và đa dạng. Cùng với đó là hệ thống 99 ngách nước lan tỏa theo các hướng, chảy uốn quanh từng dãy núi, quả đồi tuyệt đẹp. Phía đông bắc của đầm là dãy núi cao: Núi Ông, núi Vằn, núi Buộm, trong đó núi Buộm có độ cao và đẹp nhất với đỉnh núi là 665m so với mực nước biển, từ trong núi có rất nhiều dòng suối nhỏ đổ xuống đầm. Giữa một vùng núi đồi thơ mộng và tràn sức sống, Ao Châu hiện ra như một chiếc gương phản chiếu màu xanh ngắt của bầu trời cao vợi.
Gác lại những suy nghĩ miên man lênh đênh trên làn sóng nước càng làm chúng tôi cảm nhận rõ cuộc sống bình lặng, êm đềm của những người dân bên đầm dường như tách biệt hẳn với cuộc sống nhộn nhịp bên trong thị trấn. Nước trong đầm có độ sâu trung bình khoảng 5m có nơi sâu hàng chục mét nên đây là nơi sinh sống của nhiều loài thủy sinh đặc biệt như: Rùa vàng, ba ba… Mang trong mình tiềm năng phát triển du lịch to lớn, Ao Châu hiện lên là một địa điểm du lịch hấp dẫn trên hành trình về với Đất Tổ. Trong thời gian tới, nếu được đầu tư, xây dựng quy mô lớn với hệ thống dịch vụ nghỉ dưỡng đầy đủ, đầm Ao Châu có thể trở thành một khu du lịch sinh thái hấp dẫn với các hoạt động khám phá, trải nghiệm thú vị như: Chèo thuyền, câu cá, nghiên cứu sinh học, leo núi…
Một địa danh khác cũng được ví như “Hạ Long” trên núi của Phú Thọ đó là Hồ Thượng Long. Hồ Thượng Long (còn gọi là hồ Ly) thuộc xã Thượng Long, huyện Yên Lập hai bên đường vào hồ là những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Đi hết quãng đường bê tông vào sâu trong thôn Móc, dừng xe dưới chân đập và men theo con đường nhỏ dẫn lên bờ đập, hiện ra ngay trước mắt là một vùng hồ rộng xanh như một viên ngọc bích khổng lồ giữa những rừng quế xanh ngút ngàn. Vừa gạt một vài cành lau đổ về phía đường đi, ông Trần Đình Xuyên, Phó Chủ tịch UBND xã giới thiệu: Hồ Thượng Long tạo nên từ hai khe nước là khe Ly và khe Chanh. Người dân địa phương đã lấy tên khe Ly để đặt tên gọi cho hồ. Hồ bao gồm đập cao trên 28m với chiều dài 100m. Diện tích mặt nước của hồ là 40ha với sức chứa khoảng trên 3 triệu m3 nước có khả năng cung cấp nước tưới cho trên 500ha lúa và cung cấp nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân của địa phương.
Đứng trên mặt đập, cây cầu treo dài 117m như một sợi tơ chùng vắt qua mặt hồ xanh thẳm, dưới mặt hồ từng chiếc thuyền máy chất đầy những chồng quế khô cao ngất đang từ từ vào bờ. Mất khoảng một tiếng đồng hồ để khám phá một vòng vùng hồ bằng thuyền máy, chúng tôi quay lại để thưởng thức bữa ăn bình dị trong không khí ấm cúng và nồng hậu của người dân địa phương. Bên bếp lửa ngày đông, được nhâm nhi chén rượu ngô thơm lừng, thưởng thức những món ăn do người bản địa chế biến như: Cá nướng, cá suối chiên giòn, các loại rau rừng, xôi nếp trắng… Chính những điều giản dị, đơn sơ đó đã mang lại sức hấp dẫn khó tả đối với du khách khi đến Hồ Ly vãn cảnh, đặc biệt vào các ngày thứ bảy và chủ nhật lượt khách tới tham quan, chụp hình ở hồ còn tăng nhiều hơn.
Không chỉ là một điểm du lịch sinh thái lý tưởng và thú vị, những tiểu “Hạ Long” trên núi của tỉnh còn đang góp phần quan trọng trong việc dự trữ và cung cấp nước sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi thủy sản. Ẩn mình trong không gian núi rừng yên bình nên sự hiền hòa, huyền ảo của những “Hạ Long” trên núi nếu được khai thác sâu và có kế hoạch cụ thể sẽ trở thành những khu du lịch sinh thái quy mô trở thành điểm hấp dẫn đặc biệt cho nhiều người ưa khám phá, trải nghiệm tới những vùng đất mới.
(Theo: Ninh Giang – http://baophutho.vn)
Danh mục
Bài viết nổi bật
Phú Thọ: Sắp diễn ra chương trình Sắc màu Du lịch Đất Tổ – Phú Thọ 2025

Quảng bá Du lịch Phú Thọ tại lễ hội Hoa Ban tỉnh Điện Biên năm 2025
