Phát huy vai trò cộng đồng để phát triển du lịch bền vững
26 Tháng 12, 2018 | Tin địa phương
Du khách quốc tế tham gia giao lưu Hát Xoan với các nghệ nhân Hát Xoan tại Đình Hùng Lô (thành phố Việt Trì).
PTĐT – Cộng đồng tham gia “làm du lịch” đang được coi là cách làm ngành du lịch quan tâm và khuyến khích. Các địa phương trong tỉnh, nhất là các địa phương có thế mạnh phát triển du lịch đã và đang tích cực phát huy vai trò của cộng đồng trong quảng bá thu hút khách du lịch.
Khi người dân “làm du lịch”
Hát Xoan làng cổ chính thức trở thành sản phẩm du lịch cùng với tour du lịch hàng ngày Hà Nội – Phú Thọ về miền Đất Tổ Hùng Vương đồng nghĩa với việc các nghệ nhân làng xoan đã trở thành người làm du lịch. Niềm vui, hy vọng khi được hưởng lợi từ chính di sản mình đang có trách nhiệm gìn giữ, bà Bùi Thị Kiều Nga – Trùm phường Xoan Thét, xã Kim Đức – thành phố Việt Trì chia sẻ: Khi biểu diễn những người nghệ nhân như chúng tôi không chỉ dùng các động tác cử chỉ, nét mặt mà còn cả nụ cười thể hiện tâm tình của khúc ca để du khách cảm nhận được “cái hồn” của Xoan, hiểu được lời Xoan. Đó cũng là tình cảm chân thành của người Đất Tổ gửi tới du khách.
Phát triển dịch vụ, trong đó có dịch vụ du lịch là một trong ba khâu đột phá được thành phố Việt Trì xác định trong hành trình trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Cùng với việc đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất, xây dựng sản phẩm, các tour, tuyến du lịch, thành phố cũng đặc biệt quan tâm đến vai trò của người dân, đặc biệt là cộng đồng dân cư và các khu, điểm du lịch.
Ông Nguyễn Văn Vấn – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Thành phố Việt Trì đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trên địa bàn thành phố. Với những nội dung tập trung tuyên truyền, vận động giáo dục nhân dân thực hiện các quy tắc ứng xử văn hóa, thân thiện nhiệt tình, tạo ấn tượng tốt đẹp đến với du khách khi về với Việt Trì”.
Tuyên truyền, khuyến khích nhân dân tham gia các hoạt động du lịch với thái độ thân thiện, mến khách, hoạt động kinh doanh các dịch vụ du lịch lành mạnh là một trong những giải pháp đã được nghị quyết 14, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đề ra, điều này đã được thể hiện rất rõ trong việc phát triển du lịch cộng đồng ở vườn Quốc gia Xuân Sơn. Hiện nay, Xuân Sơn có khoảng 10 gia đình kinh doanh dịch vụ lưu trú Homestay. Các hộ không chỉ được khuyến khích kinh doanh các sản vật của địa phương mà còn được tập huấn kỹ năng đón tiếp khách, phục vụ chu đáo, nấu các món truyền thống của địa phương.
Bà Triệu Thị Lâm ở xóm Dù, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn cho biết: Để thu hút và giữ chân du khách đến tham quan danh lam thắng cảnh tại vườn quốc gia Xuân Sơn và nghỉ ngơi lưu trú tại Homestay, gia đình chúng tôi luôn cố gắng thay đổi cách phục vụ chu đáo cũng như học hỏi kinh nghiệm làm du lịch, tạo nên những nét văn hóa đặc trưng của vùng Đất Tổ. Do vậy, nhiều khách từng đến đây và quay lại nhiều lần, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Homestay Xuân Sơn – du lịch cộng đồng thu hút nhiều khách du lịch lưu trú.
Liên kết để hình thành tour, tuyến
Thực tế cho thấy, hoạt động du lịch của tỉnh đã có rất nhiều chuyển biến, các khu, điểm du lịch đã bước đầu hình thành. Việc xây dựng các điểm đến, các tour, tuyến mới phục vụ du khách được đặc biệt coi trọng và đạt được những kết quả ban đầu. Mặt khác, với sự quảng bá, giới thiệu hình ảnh về đất và người Phú Thọ – cội nguồn của dân tộc, vài năm trở lại đây đã có nhiều đoàn khách đến với Phú Thọ tham quan khám phá. Du khách đã đến thăm làng nghề nón lá Gia Thanh, làng cổ Hùng Lô, suối khoáng nóng Thanh Thủy, Vườn Quốc gia Xuân Sơn và nhiều điểm du lịch khác đang được đưa vào dự án hoạt động tour du lịch.
Bà Phùng Thị Hoa Lê – Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch, Sở VH,TT&DL tỉnh cho biết: Trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động như làm công tác thị trường, quảng bá và đón khách du lịch, liên kết với các công ty lữ hành đến các điểm tham quan trên địa bàn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn kết nối các tour, tuyến thuận lợi cho việc tìm kiếm của các công ty lữ hành và du khách có thêm những trải nghiệm tạo sự hấp dẫn, nét đặc trưng riêng cho Đất Tổ.
Để việc phát triển du lịch một cách bền vững, cộng đồng đóng một vai trò quan trọng, tuy nhiên vẫn còn mang tính tự phát. Việc khai thác du lịch cộng đồng tại các điểm du lịch hiện nay là bài toán đặt ra với địa phương và các ngành chức năng. Do đó, tỉnh cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư, các tổ chức cộng đồng tham gia phát triển du lịch. Ngoài ra, cần chú trọng hỗ trợ đào tạo và tuyển dụng lao động địa phương làm việc trong các dự án. Hỗ trợ cá nhân và các tổ chức địa phương tham gia vào sản xuất sản phẩm lưu niệm, tạo ra sản phẩm đặc trưng vùng du lịch.
Ông Nguyễn Đắc Thủy – Giám đốc Sở Văn Hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: “Sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, hướng dẫn nhân dân bảo vệ vệ sinh môi trường xung quanh các điểm tham quan, du lịch; có thái độ ứng xử hài hòa với du khách. Bên cạnh đó, các hộ dân tham gia kinh doanh các dịch vụ có kỹ năng nghiệp vụ để giao tiếp, ứng xử cũng như phục vụ khách và bán những sản vật địa phương có nguồn gốc rõ ràng, công khai giá cả với khách, tạo hình ảnh đẹp của du lịch vùng Đất Tổ”.
(Theo: Mộc Lâm – http://baophutho.vn)
Danh mục
Bài viết nổi bật
Quảng bá Du lịch Phú Thọ tại lễ hội Hoa Ban tỉnh Điện Biên năm 2025

Phú Thọ tham gia triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” năm 2024
