Kinh nghiệm và bài học cho phát triển du lịch làng nghề Việt Nam
11 Tháng 12, 2018 | Tin trong nước
Với việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, cơ cấu lại sản phẩm làng nghề phù hợp với hoạt động du lịch cộng thêm sự năng động, sáng tạo của bản thân làng nghề, sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong việc gắn kết làng nghề với du lịch đã tạo cho các làng nghề truyền thống ở Nhật Bản và Thái Lan một hướng đi hiệu quả. Kinh nghiệm phát triển làng nghề gắn với du lịch không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội mà còn góp phần bảo tồn nghề truyền thống, gìn giữ giá trị văn hóa làng nghề ở hai quốc gia này.
Thái Lan tổ chức nhiều chương trình quảng bá sản phẩm thuộc phong trào OTOP
Kinh nghiệm của Nhật Bản và Thái Lan
Oita là một tỉnh nằm ở phía Tây Nam Nhật Bản, cách thủ đô Tokyo khoảng 500km. Cuối những năm 70 của thế kỷ XX, ở Oita hầu như chỉ còn người già và con trẻ bởi lao động bị hút về các thành phố và trung tâm công nghiệp. Trước tình hình đó đã có nhiều sáng kiến để khôi phục lại kinh tế của Oita, trong đó có phong trào “mỗi làng một sản phẩm”. Nhiều quy định được ra đời nhằm khôi phục và phát triển nghề sản xuất thủ công truyền thống gọi tắt là “Luật nghề truyền thống”. Trong phong trào ở tỉnh Oita, người ta có thể tìm ra những sản phẩm rất bình dị trong cuộc sống như nấm Shiitake và các sản phẩm từ sữa bò, hàng gỗ mỹ nghệ ở thị trấn Yufuin; cam, cá khô ở làng Yonouzu; chè và măng tre ở làng Natkatsu… Trong 20 năm (1979 – 1999), phong trào “mỗi làng một sản phẩm” ở Oita đã tạo ra được 329 loại sản phẩm với tổng doanh thu là 141 tỷ yên/năm (trên 1.1 tỷ USD). Tỉnh Oita đã áp dụng nhiều sáng kiến bán hàng tới người tiêu dùng. Ví dụ như khu trưng bày và bán hàng gọi là “Konohana Garten”. Các hợp tác xã (HTX) đưa hàng đến giao cho “Konohana Garten” hằng ngày. Khi bán hàng tại “Konohana Garten”, giá bán do HTX quyết định. Trong đó, HTX trả siêu thị 8%, HTX hưởng 12% chi phí giao nhận, tìm kiếm thị trường còn lại 80% trả cho người sản xuất. Các mặt hàng tươi sống như rau, nấm, cá…, nếu không bán hết và chất lượng suy giảm sẽ được thu lại. Mỗi HTX chủ động tìm kiếm thị trường, tổ chức giao hàng đến các điểm tiêu thụ. Đối với một số sản phẩm là thực phẩm tươi sống, một số HTX còn mở nhà hàng ngay tại Konohana Garten để chế biến thành những món ăn phục vụ khách hàng tại chỗ. Việc bán hàng như vậy đã triển khai rộng khắp qua hệ thống 16 trạm dừng chân và 52 cửa hàng bán sản phẩm trong tỉnh Oita. Ngoài ra, để tạo ra các sản phẩm chất lượng, các trung tâm nghiên cứu và đào tạo đã được thành lập nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu đa dạng của nhiều đối tượng khách hàng.
Tại Thái Lan có khoảng 7.000 làng nghề thủ công. Mỗi làng nghề có một hay nhiều sản phẩm mang đặc trưng riêng. Để thúc đẩy làng nghề gắn với hoạt động du lịch, Chính phủ Thái Lan đã phát động phong trào “One Tambon, One Product” hay còn gọi là “Thai Tambon Project” (tiếng Thái “Tambon” nghĩa là “làng”). Phong trào này được giới thiệu tại Thái Lan vào năm 1999 và chính thức đi vào hoạt động vào tháng 10/2001. Ý tưởng “mỗi làng một sản phẩm” (One Village One Product Movement – OVOP) sau đó đổi thành OTOP (One Town One Product, hoặc One Tambon One Product), có nghĩa là mỗi thị trấn hay mỗi địa phương một sản phẩm. Những sản phẩm này dựa vào nguồn nguyên liệu ở địa phương, cộng với kỹ năng, kỹ xảo của thợ thủ công để làm ra nhiều loại mặt hàng như đồ mỹ nghệ, hàng may mặc, đồ gốm, đồ gia dụng, thực phẩm,… Tùy nơi, hàng hóa mang nhãn hiệu OTOP được Chính phủ giảm thuế, hoặc miễn thuế; Chính phủ chỉ đạo xây dựng phần mềm thiết kế các mẫu sản phẩm OTOP nhằm giúp cộng đồng địa phương nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng các trang thông tin nhằm giúp khách hàng nước ngoài có thể đặt mua hàng qua mạng; hỗ trợ tổ chức các chuyến du lịch tới các làng nghề để du khách nước ngoài có thể trực tiếp trải nghiệm quy trình sản xuất sản phẩm OTOP… Hiện nay ở Thái Lan có khoảng 3.600 mô hình OTOP, mỗi mô hình tập hợp từ 30 đến 3.000 thành viên tham gia. Sự phát triển OTOP đã giúp nghề thủ công truyền thống của Thái Lan được duy trì và gìn giữ được giá trị tri thức truyền thống. Khách du lịch đến Thái Lan hiện nay thường được giới thiệu và đưa đến các cửa hàng OTOP để mua sắm hàng lưu niệm. Sự phong phú và hấp dẫn của các sản phẩm thủ công trở thành một nhân tố thu hút khách du lịch quốc tế đến Thái Lan ngày một nhiều hơn.
Sản phẩm Nấm hương khô shiitake
Bài học cho Việt Nam
Trên cơ sở kinh nghiệm của của Nhật Bản và Thái Lan về phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm để đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề ở nước ta.
Một là, các cơ quan nhà nước phối hợp với doanh nghiệp lữ hành hướng dẫn cư dân làng nghề truyền thống cách thức làm du lịch. Như vậy mới có thể tiếp cận với du khách đến làng nghề truyền thống tham quan và trải nghiệm, góp phần tạo nên sự hấp dẫn cho làng nghề truyền thống.
Hai là, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm cho từng làng nghề truyền thống phục vụ du lịch theo phương châm “mỗi làng nghề một sản phẩm”. Trong đó quan tâm đến việc công nhận chất lượng sản phẩm làng nghề; có chính sách bảo trợ sản phẩm làng nghề ở giai đoạn đầu khi gắn với hoạt động du lịch; xây dựng chương trình hỗ trợ, khuyến khích nghệ nhân làng nghề sáng tạo sản phẩm phù hợp với thị hiếu của khách du lịch.
Ba là, tổ chức các hoạt động mang ý nghĩa tôn vinh làng nghề, nghệ nhân làng nghề gắn với việc truyền nghề để nâng cao ý thức, giá trị của việc bảo tồn các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch. Từ đó tạo được niềm đam mê cho thế hệ trẻ bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống.
Bốn là, xây dựng cơ chế phân bổ lợi ích hợp lý từ hoạt động du lịch làng nghề.
Năm là, các doanh nghiệp lữ hành tích cực lồng ghép điểm đến làng nghề trong các chương trình du lịch để đưa du khách đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm sản phẩm làng nghề.
(Theo: Trần Lan – baodulich.net.vn)
Danh mục
Bài viết nổi bật
Sắp diễn ra Hội nghị Du lịch Việt Nam – Úc tại Melbourne

Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản sẽ tổ chức tại Tokyo vào đầu tháng 6

Hãy bình chọn cho Du lịch Việt Nam tại World Travel Awards 2024!

Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội
