Thanh Sơn gắn sản xuất nông nghiệp sạch với phát triển du lịch

14 Tháng 11, 2018 | Tin địa phương

Huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) có nhiều tiềm năng phát triển du lịch gắn với khám phá tự nhiên, tìm hiểu văn hóa truyền thống của người Mường, người Dao. Địa phương đang xây dựng cơ chế chính sách, khuyến khích các doanh nghiệp, người dân phát triển theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch gắn với phát triển du lịch.

Bản làng dân tộc Mường tại Thanh Sơn

Thế mạnh về sản xuất nông nghiệp

Nằm ở cuối dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, lại là vùng thượng lưu của sông Bứa và hàng trăm các dòng suối chảy về sông Đà, Thanh Sơn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Những thác nước nằm giữa đại ngàn, những làng bản nằm giữa những đồi chè xanh mướt hay nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Mường, Dao đều là những điểm hấp dẫn du khách.

Thanh Sơn có điều kiện thổ nhưỡng đa dạng, phù hợp để phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, từ các loại cây công nghiệp, cây ăn quả cho đến các loại rau màu… Nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch của địa phương đã được xuất khẩu, bày bán trong hệ thống siêu thị của các thành phố lớn. Một trong những hướng khai thác là gắn phát triển du lịch đối với vùng sản xuất chè. Tại nhiều xã của huyện Thanh Sơn đã có các vùng nguyên liệu rộng lớn, nhiều làng nghề đã trở thành đối tác sản xuất sản phẩm chè ô long, chè xanh, chè đen xuất khẩu cho các công ty chè Phú Đa, công ty chè Võ Miếu, công ty chè Địch Quả… Khách du lịch đến đây không chỉ tận hưởng cảnh đẹp thanh bình của những đồi chè đặc trưng vùng trung du Bắc bộ mà còn được tham quan nơi sản xuất, tìm hiểu các công đoạn để hoàn thành một sản phẩm, trải nghiệm thử một vài công đoạn, vừa thưởng thức trà vừa tìm hiểu về văn hóa địa phương.

Đặc biệt, huyện Thanh Sơn còn được biết đến với những món ăn ẩm thực mang đậm bản sắc dân tộc Mường như: Cỗ lá, lợn quay, thịt dê, xôi ngũ sắc và các loại đặc sản như thịt chua, khoai tầng, mật ong rừng, chuối phấn vàng… Hằng năm các sản phẩm này được tỉnh, huyện lựa chọn tham gia trưng bày, giới thiệu tại các hoạt động du lịch, thương mại của tỉnh như Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng, Hội chợ Hùng Vương, quảng bá tại hội chợ các tỉnh và là sản phẩm được khách du lịch ưa chuộng khi thưởng thức ẩm thực tại địa phương.

Nông trường chè Thanh Sơn vào vụ thu hoạch

Khai thác phát triển du lịch

Vừa qua, huyện Thanh Sơn đã tổ chức Hội thảo tiềm năng phát triển du lịch huyện. Bên cạnh việc đánh giá lại tiềm năng du lịch, địa phương cũng đã chủ động đề xuất nhiều chương trình tour – tuyến tham quan du lịch để quảng bá, xúc tiến trong thời gian tới. Trong đó vẫn khai thác những thế mạnh về nông nghiệp, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng để làm hướng phát triển trong thời gian tới.

Theo đó có tuyến Việt Trì – Thanh Sơn– Việt Trì để trải nghiệm du lịch sinh thái – danh thắng (Hồ Phượng Mao 2, thác Đá Mài, cọn nước, đồi chè, bản dân tộc Mường Khả Cửu…); du lịch văn hóa tâm linh (Văn hoá dân tộc Mường, di tích lịch sử đình Thạch Khoán, đền Nhà Bà, Bia lịch sử và nghe kể trận Giáo Vầu, Tượng đài Bác Hồ…) cùng với trải nghiệm du lịch nông nghiệp – làng nghề.

Khung cảnh làng quê Thanh Sơn

Chương trình Việt Trì – Thanh Sơn – Vườn quốc gia Xuân Sơn (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) hoặc tuyến Việt Trì – Khu du lịch Nước khoáng nóng Thanh Thuỷ – Thanh Sơn – Vườn quốc gia Xuân Sơn sẽ bổ sung trải nghiệm mới cho du khách đến các điểm tham quan tại các huyện lân cận với Thanh Sơn. Ngoài ra, chương trình còn có tour liên kết vùng, trong đó Thanh Sơn là cửa ngõ để nối dài hành trình từ Hà Nội tới Nghĩa Lộ (Yên Bái) hoặc Tà Xùa (Sơn La).

(Theo: Minh Khuê – http://baodulich.net.vn)